Khởi nghiệp sáng tạo là khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo về mô hình, công nghệ, sản phẩm mới, hướng tới giá trị bản quyền, thu hút đầu tư để thử nghiệm và hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm, thành lập doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh, tạo dựng uy tín, thương hiệu.
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đã ghi dấu lần đầu tiên Việt Nam có một Đề án quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp hiện nay đã diễn ra rộng khắp trên cả nước và được nhiều Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quan tâm.
Trong năm 2016, với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chính sách, chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được triển khai mạnh mẽ, thúc đẩy sự hình thành một số lượng lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê từ Topica Founder Institute (Tổ chức thúc đẩy kinh doanh Việt Nam), hiện nay có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, các Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành. Hai nghị quyết mới này có thể coi là những nghị quyết có ý nghĩa về khởi nghiệp.
Năm 2016 đã ghi nhận sự vươn lên, bứt phá của đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp đầy hứng khởi. Đáng chú ý, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2016 trên phạm vi cả nước là 477.808 doanh nghiệp (tăng 8% so với năm 2015), trong số này có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ; số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp (tăng 16.2% so với năm 2015). Theo số liệu công bố tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, trong quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Từ trái qua phải: Ông Phan Thanh Tùng - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Tùng; Cựu SV doanh nhân Vì Văn Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Sơn La; Cựu sinh viên Giàng A Dạy khởi nghiệp từ chương trình tu nghiệp Israel giao lưu với các đại biểu tại “Diễn đàn Khởi nghiệp dành cho thanh niên – sinh viên Tây Bắc”
Ở tỉnh Sơn La, cấp ủy và chính quyền rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân trong tỉnh ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập và 1 trong 5 nhóm giải pháp chính được đưa ra đó là: “Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”. Giải pháp này là một trong những động lực chính thúc đẩy nâng cao số lượng và chất lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong đó có nhiệm vụ: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, thành công và lâu dài trên địa bàn tỉnh Sơn La. Phối hợp nghiên cứu hình thành mô hình tổ chức thích hợp, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ”.
Trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp của tỉnh phát triển mạnh. Đến nay, Sơn La có 1.952 doanh nghiệp, trong đó: số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 là 236 doanh nghiệp, quý I/2017 có 157 doanh nghiệp thành lập mới qua đó huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, thực hiện an sinh xã hội, tăng đóng góp cho ngân sách. Nhưng so với cả nước, dân số Sơn La đã hơn 1,2 triệu, chiếm hơn 1,3% dân số cả nước, còn doanh nghiệp mới chiếm 0,4%, số doanh nghiệp thành lập mới khá hơn, chiếm 1,4% (đó là chưa kể quy mô doanh nghiệp ở Sơn La nhỏ hơn nhiều quy mô bình quân của cả nước). Cạnh Sơn La, tỉnh Hòa bình có 83 vạn dân, đã có 2.500 doanh nghiệp. Tỉnh Lào Cai có 67 vạn dân, có 3200 doanh nghiệp…
Diễn đàn Khởi nghiệp dành cho thanh niên – sinh viên Tây Bắc (chương trình do trường Đại học Tây Bắc phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức vào ngày 29/10/2016) giúp các bạn trẻ sớm định hình, triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình, thúc đẩy tư duy năng động để sớm hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phẩm đặc sản của địa phương. Thực tế nhiều năm qua đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở địa phương rót vốn đầu tư vào nông nghiệp, du lịch để phát huy những lợi thế sẵn có của tỉnh. Các bạn trẻ khởi nghiệp đã nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, làm thực phẩm sạch, trồng nấm, trồng hoa… Nhiều bạn sinh viên Trường Đại học Tây Bắcsau khi tốt nghiệp đã khởi nghiệp thành công trên mảnh đất Sơn La như: Cựu sinh viên doanh nhân Vì Văn Bình – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Sơn La, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và là doanh nghiệp hàng đầu cung cấp các loại nấm ăn cho thị trường Tây Bắc; Cựu sinh viên Giàng A Dạy bằng những kiến thức nông nghiệp tích lũy được sau gần 1 năm làm việc tại Israel (qua chương trình tu nghiệp tại Israel)đã triển khai dự án ươm mầm cây giống và trồng rau hữu cơ tại quê nhà(bản Rừng Thông, xã Mường Bon, Mai Sơn, Sơn La). Cựu sinh viên, doanh nhân Là Văn Phong – Giám đốc HTX thủy sản và du lịch sinh thái Quỳnh Nhai khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực du lịch sinh thái với các dịch vụ tour du lịch lòng hồ; Th.s Trương Văn Dư – Giám đốc Công ty cổ phần Greenfarm (bản Áng, xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La) đã khởi nghiệp thành công với giống cây cà chua ghép trên thân cây cà tím, sản xuất rau an toàn;…
Một số doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đã khởi nghiệp sáng tạo thành công từ những giải pháp tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh (do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La là cơ quan chủ trì, thường trựcHội thi) như: giải pháp “Ghép phủ tán để cải tạo các giống hồng kém hiệu quả kinh tế thành hồng MC1 có hiệu quả kinh tế cao tại Mộc Châu – Sơn La” của ông Nguyễn Xuân Tá – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hồng – Mộc Châu đạt giải Ba Hội thi năm 2008; giải pháp “Máy cày bừa mini sử dụng động cơ xe máy” của ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc HTX Cơ khí nông nghiệp và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Thanh Niên – huyện Mường La đạt giải Khuyến khích Hội thi năm 2010; “Giải pháp cải tiến hệ thống sinh nhiệt gián tiếp từ nguyên liệu sinh khối” của ông Bùi Công Tráng – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Thủy Tráng đạt giải Ba Hội thi năm 2014. Sự có mặt của họ đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bức tranh phát triển về doanh nghiệp cho thấy hoạt động khởi nghiệp đang được hưởng ứng với những hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mới cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Diễn đàn khởi nghiệp là cơ hội hữu ích để các bạn thanh niên, đoàn viên giao lưu với các doanh nhân thành đạt, giàu kinh nghiệm và tìm hiểu về Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia. Đây cũng là nơi khơi nguồn và phát triển những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo; Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tính sáng tạo, hăng say lao động của tuổi trẻ Sơn La nói riêng và thanh niên các tỉnh Tây Bắc nói chung; cùng nhau lập thân, lập nghiệp bằng con đường kinh doanh, dựa trên lợi thế của địa phương, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.
Nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên, thanh niên về vấn đề khởi nghiệp. Đồng thời, tạo sân chơi mới cho sinh viên, thanh niên trong việc phát huy khả năng sáng tạo, đổi mới và thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, tính sáng tạo, hăng say lao động của tuổi trẻ khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc, Trường Đại học Tây Bắc đã phát động Cuộc thi Khởi nghiệp Tây Bắc năm 2016 - 2017 (từ tháng 10/2016 đến 5/2017). Đối tượng là các bạn thanh niên dưới 35 tuổi là con em các tỉnh miền núi Tây Bắc. Những dự án xuất sắc được chọn lọc tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư của Hội đồng nhân dân tỉnh (tháng 7/2017), Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất và sẽ xem xét, quyết định ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp theo định hướng hỗ trợ chênh lệch lãi xuất và tháo gỡ cơ chế để thực hiện mạnh hơn chủ trương xã hội hóa. Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh phối hợp với Viện phát triển doanh nghiệp, Ban pháp chế thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam( VCCI), Sở kế hoạch và đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch tỉnh đang tích cực chuẩn bị tổ chức hội thảo vào cuối tháng 5/2017 với chủ đề: Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với phát triển doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả nội nội dung khởi nghiệp sáng tạo.
Sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền cùng các cơ chế mở đối với khởi nghiệp, hy vọng khởi nghiệp sáng tạo ở tỉnh Sơn La sẽ tạo bước đột phá mới đóng góp vào sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước./.
Minh Thư