Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên bên lề cuộc họp báo phát động cuộc thi “Ðổi mới như người Thụy Ðiển” tại Việt Nam mới đây, bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH ABB cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy, mang ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng lao động và các công ty trong tương lai, cũng như ngành giáo dục và đào tạo.
Từ chuyện hội nhập làng khởi nghiệp thế giới
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Techfest của Việt Nam đã chính thức trở thành đối tác vùng của cuộc thi toàn cầu – Startup World Cup (SWC), tổ chức thường niên tại Hoa Kỳ bởi Pegasus Tech Venture. Thông qua việc hợp tác lần này với Pegasus Tech Venture, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào bản đồ khởi nghiệp thế giới.
Từ trước đó 4 năm, để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát động cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge (thường niên, tại Mỹ).
Cuộc thi đã tạo ra sân chơi thực sự cho startup Việt đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ tính riêng mùa giải năm nay, đã có tới hơn 400 thí sinh tham dự.
Ðánh giá về mức độ hội nhập của các startup Việt và chủ trương hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới trong doanh nghiệp của Việt Nam, ông Md Anis Uzzaman, Chủ tịch Startup World Cup và nhà đầu tư của Quỹ đầu tư Pegasus Tech Ventures cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được tăng cường mối quan hệ với các đối tác và doanh nhân ở khu vực.
Cá nhân tôi mong muốn có thể tham dự các chương trình và cuộc thi chất lượng của Việt Nam, đặc biệt là với Techfest Vietnam và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng thì những cuộc thi như Startup World Cup không chỉ tác động tích cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo tại Thung lũng Silicon, mà có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Bộ Khoa học và Công nghệ rất ủng hộ và mong muốn thúc đẩy hơn nữa mô hình cuộc thi và các hoạt động hợp tác như thế này.
Thứ trưởng Tùng cho biết thêm, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi để chọn ra các startup tiềm năng và cử sang dự thi tại Startup World Cup.
Ngược lại, các chương trình trong nước cũng sẽ mời các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Pegasus Tech Venture tham gia đánh giá cũng như hướng dẫn các startup nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Với việc tham gia “sân chơi” khởi nghiệp thế giới, Việt Nam đang nâng tầm cho phong trào khởi nghiệp quốc gia, cũng như cho bản thân các startup.
Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa và cho thấy đó không chỉ là giấc mơ hão khi các startup Việt bước đầu gặt hái thành công khi “đem chuông đi đánh xứ người”.
Ví dụ, trường hợp của Công ty Abivin, quán quân tại Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia thuộc Techfest Vietnam 2018 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ kết nối trở thành đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Startup World Cup và giành Giải Nhất chung cuộc trị giá 1 triệu USD.
Hay Medlink, một startup trong nước đã giành quán quân VietChallenge 2019 được tổ chức tại Mỹ.
Ðến sự sôi động phong trào đổi mới, sáng tạo trong nước
Ở trong nước, phong trào khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Thậm chí, đã có một gameshow truyền hình mang tên Sếp nhí khởi nghiệp – Kiddie Shark, dành cho các bé từ 7 – 14 tuổi.
Và như lời chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax Leaders (đơn vị đồng tổ chức), mục tiêu lớn nhất của chương trình là đánh thức giấc mơ, khát vọng khởi nghiệp của các bé, ươm mầm cho các hoạt động khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ và quy mô hơn trong tương lai.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Phùng Công Ðịnh, Trưởng phòng Phát triển Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, phụ trách Trung tâm Ðổi mới, sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) cho biết, Trung tâm đã mở các khóa đào tạo để những người tham gia nghiên cứu hiểu được công nghệ, nền tảng mà Trung tâm cung cấp.
Mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/4/2019, nhưng đến ngày 19/9/2019, IoT Innovation Hub và công ty khởi nghiệp công nghệ D&L đã chính thức đưa hệ sinh thái sản phẩm dựa trên nền tảng IoT PAM ecosystem do D&L nghiên cứu và phát triển vào thương mại hóa.
Ðây là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc đầu tiên cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của IoT Innovation Hub. Sau hoạt động này, D&L sẽ tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ NB-IoT để cải tiến các dòng sản phẩm.
PAM là thương hiệu chung cho tất cả các sản phẩm và giải pháp của D&L, bao gồm PAM Air, PAM Home, PAM Agriculture và PAM Library. Hệ sinh thái PAM gồm các thành phần: IoT platform – phần mềm nền tảng IoT; các cảm biến, thiết bị phục vụ việc theo dõi, điều khiển; các ứng dụng web, mobile cho từng mục đích cụ thể; công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytic).
Nổi bật trong các sản phẩm PAM ecosystem là PAM Air – một giải pháp tổng thể, một hệ sinh thái IoT phục vụ việc theo dõi, cảnh báo và dự báo ô nhiễm không khí trên lãnh thổ Việt Nam.
Ðây là sản phẩm mang ý nghĩa xã hội rất lớn và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Ðánh giá về vai trò của các “bà đỡ” như IoT Innovation Hub, ông Hoàng Dũng, CEO D&L cho biết; “Chúng tôi được tạo điều kiện quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động của Trung tâm, cũng như các hoạt động khác như Techmart.
Chúng tôi cũng được hỗ trợ trong các hoạt động kết nối tới các tổ chức, doanh nghiệp và đối tác tiềm năng.
Ðối với doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm made in Vietnam như chúng tôi, việc quảng bá được sản phẩm, đưa thông tin của sản phẩm đến với người sử dụng và đối tác là phần công việc còn quan trọng hơn cả việc sản xuất. Vì làm ra sản phẩm mà không ai biết tới thì sản phẩm cũng chỉ là các mô hình prototype”.
Người trẻ là hạt nhân
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên bên lề cuộc họp báo phát động cuộc thi “Ðổi mới như người Thụy Ðiển” tại Việt Nam mới đây, bà Phạm Thu Thủy, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH ABB cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy, mang ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng lao động và các công ty trong tương lai, cũng như ngành giáo dục và đào tạo.
Ðể đáp ứng thách thức này, ABB hướng đến các hoạt động mang tới tác động lớn hơn về mặt đào tạo và thực hiện nhiều hoạt động nhằm định hướng lực lượng lao động trong tương lai cho Việt Nam, bao gồm tặng thiết bị cho các trường đại học kỹ thuật hàng đầu trong nước để đưa quy trình và trải nghiệm làm việc thực tế vào môi trường học, các chương trình học bổng, chương trình sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, chương trình dạy nghề và thực tập sinh cho các trường kỹ thuật.
ABB hiện là một trong những đối tác của Ðại sứ quán Thụy Ðiển trong việc triển khai thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Ðoàn kết tập hợp thanh niên, Trung ương Ðoàn Thanh niên, đổi mới sáng tạo giúp thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia, nó cần có sự tham gia của mọi người, mọi lĩnh vực.
Trong đó, người trẻ với tính cách thích tìm tòi, thông minh, hứng thú với cái mới là lực lượng quan trọng. Nếu tạo được niềm hứng thú với các bạn trẻ thì sẽ tạo được sự lôi cuốn với cộng đồng, để mọi người cùng tham gia theo.
“Trung ương Ðoàn đang triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sáng tạo trẻ, tạo môi trường cho các bạn trẻ sáng tạo; tạo cơ chế để ứng dụng sáng tạo vào cuộc sống”, bà Vân nhấn mạnh.
Có thể nói, chưa khi nào, hoạt động đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các bạn trẻ phát triển bản thân, sự nghiệp thực hiện mạnh mẽ như thời gian gần đây.
Và nhìn vào sự hào hứng của những người được thụ hưởng điều đó, mỗi người trong chúng ta sẽ tự tin hơn về một tương lai Việt Nam đổi mới, sáng tạo và phát triển, thực hiện hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.